Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Tháng 04/2014 rất nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng; Xuất nhập khẩu; Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề; Đất đai, nhà ở; Chính sách xã hội.. có hiệu lực thi hành.
Ngày cập nhật 01/04/2014

Trong tháng 04/2014, có nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng; Xuất nhập khẩu; Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề; Đất đai, nhà ở; Chính sách xã hội.. có hiệu lực thi hành. Trang thông tin điện tử phường Phú Hòa giới thiệu một số chính sách có liên quan để quý vị biết và thực hiện.

              ĐIỀU KIỆN NHẬP KHẨU Ô TÔ CỦA VIỆT KIỀU ĐÃ HỒI HƯƠNG

Ngày 12/02/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2014/TT-BTC quy định việc nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam.

Nổi bật tại Thông tư này là quy định về điều kiện nhập khẩu đối với xe ô tô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thay hộ chiếu nước ngoài cấp còn giá trị và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam và có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp; đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Theo đó, từ ngày 01/04/2014, xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam ngoài việc phải đáp ứng quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011, còn phải được đăng ký lưu hành ở nước định cư hoặc nước mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc ít nhất 06 tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam.

Tương tự, xe mô tô nhập khẩu vào Việt Nam theo chế độ tài sản di chuyển cũng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Cụ thể: Xe mô tô nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện không quá 03 năm tính từ năm sản xuất đến thời điểm mô tô về đến cảng Việt Nam; được đăng ký lưu hành ở nước định cư hoặc nước mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc trước thời điểm công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hồi hương được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam và thuộc loại được phép đăng ký, lưu hành tại Việt Nam...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2014.

ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ CHÍNH KHÓA

Ngày 28/02/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Theo đó, các nhà trẻ, nhóm trẻ; trường, lớp mẫu giáo, trường mầm non; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học, trường chuyên, trường năng khiếu, trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm học tập cộng đồng... muốn hoạt động giáo dục kỹ năng sống hoặc giáo dục ngoài giờ chính khóa phải đáp ứng một số điều kiện nhất định về cơ sở vật chất; giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên và giáo trình, tài liệu.

Cụ thể như: Phải có phòng học, phòng chức năng có đủ ánh sáng, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh trường học theo quy định; có thiết bị dạy học bảo đảm an toàn, phù hợp với nội dung dạy học, hoạt động và tâm lý lứa tuổi người học; giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên có đủ điều kiện về sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, không trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan...

Cũng theo Thông tư này, trường hợp cơ sở giáo dục không triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc có hành vi gian lận để được cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, sẽ bị thu hồi Giấy phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2014.

CHÍNH THỨC BỎ ĐIỂM SÀN ĐẠI HỌC

Rất nhiều quy định mới đã được thể hiện tại Thông tư số 06/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 11/03/2014, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05/03/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 24/2012/TT-BGDĐT ngày 29/06/2012, Thông tư số 03/2013/TT-BGDĐT ngày 20/02/2013, Thông tư số 21/2013/TT-BGDĐT ngày 18/06/2013, Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT ngày 04/07/2013 và Thông tư số 28/2013/TT-GDĐT ngày 16/07/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước hết, thay vì quy định điểm sàn như các năm trước đây, từ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo.

Bên cạnh đó, cũng tại Thông tư này, Bộ quy định hằng năm các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được tổ chức 01 - 02 lần tuyển sinh với các phương thức: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Riêng các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện Đề án tự chủ tuyển sinh, tự lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh, ra đề thi… Đặc biệt, kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó mà không có giá trị xét tuyển sang trường khác.

Một nội dung đáng chú ý khác của Thông tư này là thu hẹp các đối tượng ưu tiên theo khu vực. Cụ thể, đối tượng ưu tiên theo khu vực chỉ gồm các thí sinh là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/09/2013 và Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/04/2013, mà không quy định rộng theo địa phương như trước đây.

Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung thêm đối tượng được ưu tiên xét tuyển; theo đó, ngoài thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia thì các thí sinh đoạt giải trong Hội thi khoa học kĩ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã tốt nghiệp trung học, sau khi thi tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy đủ số môn quy định theo đề thi chung, có kết quả thi đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định trở lên và không có môn nào bị điểm 0 thì Hiệu trưởng xem xét quyết định cho vào học.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/04/2014.

          ƯU TIÊN MUA SẮM LAPTOP, ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

Theo Thông tư số 01/2014/TT-BTTTT được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 20/2/2014 quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; có 48 sản phẩm, dịch vụ trong nước được ưu tiên, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong đó có máy tính cá nhân để bàn, máy tính xách tay (laptop); máy tính bảng; điện thoại di động; phần mềm kế toán; phần mềm quản lý nhân sự; thư viện số, kho dữ liệu số; nhóm dịch vụ hỗ trợ sản xuất phần mềm; nhóm dịch vụ thiết kế, duy trì trang, cổng thông tin điện tử…

Để được ưu tiên mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các sản phẩm, nhóm dịch vụ nêu trên phải được sản xuất tại Việt Nam bởi doanh nghiệp mà trong đó các pháp nhân, thể nhân Việt Nam nắm quyền kiểm soát chi phối và nắm giữ cổ phần chi phối hoặc nắm giữ phần vốn góp chi phối; đã được đăng ký thương hiệu và được bảo hộ theo quy định hoặc đã đăng ký và hoàn tất các yêu cầu, điều kiện để cung cấp sản phẩm, dịch vụ (nếu có) theo quy định; có tài liệu kỹ thuật hoặc tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt; có thông báo rõ ràng các điều khoản cam kết về bảo hành, trách nhiệm của nhà cung cấp, chính sách hậu mãi và các chính sách liên quan.

Đồng thời, đối với mỗi nhóm sản phẩm, dịch vụ khác nhau còn phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể khác, như đối với sản phẩm phần cứng, điện tử (điện thoại di động, laptop…) thì doanh thu từ sản phẩm phải đạt tối thiểu 10 tỷ đồng/năm trong 02 năm liên tiếp gần nhất hoặc tối thiểu 05 cơ quan Nhà nước hoặc 10 tổ chức, doanh nghiệp hoặc 500 cá nhân đã và đang sử dụng sản phẩm; chi phí sản xuất trong nước của sản phẩm chiếm tỉ lệ từ 20% trở lên trong tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm đó, hoặc có tối thiểu 50 lao động Việt Nam có chuyên môn về phần cứng, điện tử đang làm việc ổn định từ 01 năm trở lên; sản phẩm đã công bố phù hợp với Tiêu chuẩn Quốc gia và đã được chứng nhận, công bố hợp quy; sản phẩm được sản xuất bởi tổ chức, doanh nghiệp đạt ít nhất một trong các chuẩn: TCVN ISO 9001:2008; TCVN ISO 14001:2004; TCVN ISO 17025:2005 hoặc tương đương…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/04/2014 và thay thế Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009.

PHÁT TRIỂN MẠNG THÔNG TIN NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO QUỐC GIA

Ngày 18/02/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2014/NĐ-CP về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hợp tác, tài trợ cho việc xây dựng và phát triển mạng thông tin nghiên cứu và đào tạo quốc gia.

Mạng thông tin nghiên cứu và đào tạo quốc gia là mạng viễn thông dùng riêng phi lợi nhuận kết nối cộng đồng nghiên cứu và đào tạo trong nước với nhau, với cộng đồng nghiên cứu và đào tạo khu vực và quốc tế; ưu tiên kết nối các khu vực tập trung nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở giáo dục đại học.

Thành viên của mạng là các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các cơ sở giáo dục đại học, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh, các tổ chức thực hiện chức năng thông tin khoa học công nghệ và các tổ chức khác. Các tổ chức thành viên này có trách nhiệm đầu tư các trang thiết bị và công nghệ cần thiết, thực hiện nghĩa vụ tài chính để kết nối, duy trì, phát triển và khai thác hiệu quả mạng thông tin nghiên cứu và đào tạo quốc gia.

Nghị định này thay thế Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/08/2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2014.

BAN HÀNH CHUẨN KỸ NĂNG SỬ DỤNG CNTT CƠ BẢN

Ngày 11/03/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT), bao gồm: Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản và Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT nâng cao.

Trong đó, yêu cầu cần đạt đối với Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản bao gồm: Có kiến thức cơ bản về máy tính và mạng máy tính; hiểu các dịch vụ Internet khác nhau cho người dùng; biết một số loại bệnh tật thông thường liên quan đến việc sử dụng máy tính lâu dài như bệnh về mắt, xương khớp, tâm thần và cách phòng ngừa; biết các quy tắc an toàn khi sử dụng máy tính và các thiết bị kèm theo; biết một số quy định cơ bản về luật pháp của Việt Nam liên quan đến quyền bảo vệ dữ liệu, trách nhiệm quản lý, bảo vệ dữ liệu ở Việt Nam...

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến hoạt động đánh giá kỹ năng sử dụng CNTT và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/04/2014.


         BỎ QUY ĐỊNH TÍNH DIỆN TÍCH CĂN HỘ CHUNG CƯ TỪ TIM TƯỜNG BAO

 

Nội dung điều chỉnh này được quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BXD ngày 20/02/2014 của Bộ Xây dựng, sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 01/09/2010 quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/06/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Nhà ở.

Thông tư này chỉ rõ, diện tích sử dụng căn hộ chung cư chỉ được tính theo kích thước thông thủy và được ghi vào Giấy chứng nhận cấp cho người mua, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó, không tính tường bao ngồi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.

Khi tính diện tích ban công thì tính toàn bộ diện tích sàn, trường hợp ban công có phần diện tích tường chung thì tính từ mép trong của tường chung. Khi bàn giao căn hộ, các bên phải ghi rõ trong biên bản bàn giao căn hộ hoặc trong phụ lục hợp đồng diện tích sử dụng căn hộ thực tế bàn giao và diện tích ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký; biên bản bàn giao căn hộ hoặc phụ lục hợp đồng được coi là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng mua bán căn hộ.

Như vậy, với nội dung nêu trên, Bộ Xây dựng đã chính thức bỏ quy định tính diện tích căn hộ chung cư từ tim tường bao, tường ngăn chia các hộ như các văn bản trước đây, nhằm khắc phục tình trạng bất bình đẳng cho các hộ gia đình sở hữu căn hộ chung cư có cột, hộp kỹ thuật và hộ sở hữu căn hộ không có cột, hộp kỹ thuật khi diện tích ghi trong hợp đồng mua nhà và giá mua nhà giữa các hộ này là như nhau, nhưng diện tích thực tế sử dụng lại khác nhau.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/04/2014; trường hợp các bên đã ký hợp đồng mua bán căn hộ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì việc xác định diện tích căn hộ để tính tiền mua bán được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ mà các bên đã ký kết.

QUY ĐỊNH PHẠM VI HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

Ngày 27/02/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, trong đó hướng dẫn cụ thể về phạm vi hòa giải ở cơ sở.

Theo đó, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, giờ giấc sinh hoạt…); tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình (tranh chấp từ quan hệ vợ, chồng; cha mẹ và con; ông bà và cháu; giữa anh chị em…; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn…); vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính; vi phạm pháp luật hình sự khi vụ án không bị khởi tố theo quy định Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự hoặc vụ án được pháp luật quy định chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng người bị hại không yêu cầu hoặc vụ án đã được khởi tố nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án và các vụ án trong các trường hợp này không bị xử lý hành chính và vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, biện pháp hòa giải ở cơ sở còn được áp dụng trong những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định không hòa giải ở cơ sở đối với các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình theo quy định phải được cơ quan có thẩm quyền giải quyết; giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; tranh chấp về thương mại hoặc lao động thực hiện hòa giải theo quy định của Luật Thương mại, Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/04/2014 và thay thế Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999./
.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 57.185
Truy câp hiện tại 1.077