|
|
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sở, ban, ngành UBND huyện, thị xã UBND phường, xã
| | |
|
Cải cách hành chính và đạo đức công vụ Ngày cập nhật 17/02/2014 Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến đề xuất người vi phạm được nộp phạt trực tiếp cho cảnh sát giao thông (CSGT) trong một số trường hợp theo Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) vừa được Bộ Công an ban hành. Vui mừng, ủng hộ và đánh giá cao cải cách hành chính này cũng nhiều, nhưng băn khoăn lo lắng và chưa đồng tình với việc để CSGT trực tiếp nhận tiền, dễ làm nảy sinh tiêu cực cũng không ít.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, cải cách hành chính được xác định vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phòng ngừa và hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy chính quyền các cấp. Thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch, công khai, không chỉ giúp người dân thuận lợi trong công việc mà còn góp phần hạn chế tiêu cực. Trở lại câu chuyện xử phạt vi phạm giao thông, sai thì phải xử phạt mới giữ vững kỷ cương, đảm bảo an toàn cho mọi người và trật tự an toàn xã hội. Mức xử phạt càng nặng, tính răn đe càng cao. Tuy nhiên, thủ tục xử lý cần đơn giản, thuận lợi trong việc thực hiện mới hạn chế được tiêu cực.
Tôi có người thân quê ở Quảng Trị, làm việc ở Đà Nẵng, thường đi lại qua địa bàn Thừa Thiên Huế, đôi lần bị xử phạt do lỗi chạy quá tốc độ. Anh thừa nhận, sai thì bị xử phạt chẳng thể kêu ca, nhưng thủ tục xử phạt quá nhiêu khê nên sẵn sàng tìm cách “bồi dưỡng” cho CSGT để được bỏ qua, dù số tiền “bồi dưỡng” nhiều hơn cả mức tiền phạt. Theo quy định, lỗi nhẹ thì bị giữ giấy tờ. Lỗi nặng có thể bị tạm giữ phương tiện. Sau khi lập biên bản vi phạm, sau một tuần người vi phạm mới được xử lý nộp phạt để nhận lại giấy tờ, phương tiện bị giữ. Chưa kể tiền nộp phạt, chi phí đi lại, riêng việc sắp xếp thời gian để quay lại giải quyết cũng đủ mệt mỏi, nhất là những người ở các địa phương khác đến. Nếu xe bị tạm giữ là phương tiện đi lại của cá nhân còn dễ khắc phục, nhưng là phương tiện kinh doanh thì sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp. Vì vậy, thủ tục càng phức tạp bao nhiêu thì họ càng tìm cách hối lộ để được giải quyết ngay sự việc. Thủ tục phức tạp chính là mảnh đất nuôi dưỡng tiêu cực. Ở góc độ xã hội, những chi phí cho việc xử lý vi phạm tuy là đánh vào túi tiền của cá nhân, nhưng lại gây lãng không cần thiết nguồn lực của xã hội.
Cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ là công việc phải tiến hành song song, không thể tách rời nhau mới đem lại kết quả tích cực. Tiêu cực hay không phụ thuộc phần lớn vào tư cách đạo đức của những người thi hành công vụ và việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các sở, bộ liên ngành. Cũng giống như chuyện dọn dẹp nhà cửa tất sẽ phát sinh bụi, nhưng không vì thế mà không vệ sinh nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Bụi bặm sẽ có cách khắc phục, lau chùi sau. Cải cách hành chính cũng vậy, tất sẽ phát sinh một số hệ luỵ, nhưng vì sự tiến bộ của xã hội và lợi ích của đa số người dân cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Hoàng Giang (nguồn báo Thừa Thiên Huế)
Các tin khác
| |
|
| Thống kê truy cập Truy câp tổng 57.185 Truy câp hiện tại 197
|
|