Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Tìm danh xưng khi thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày cập nhật 13/03/2014

 Hôm nay, 13/3, tại Văn phòng UBND tỉnh, một cuộc hội thảo khoa học quy mô “Về tên gọi của thành phố, các quận và phương án tổ chức các đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc Trung ương” được tổ chức, nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn để hoàn chỉnh Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sau đây là một số ý kiến tâm huyết của những người yêu Huế

Ông Nguyễn Minh Dũng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Xây dựng:
Phương án thành lập 3 quận hội đủ nhiều ưu điểm
Phương án tên gọi của thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều ý kiến, riêng tôi chọn tên của Thừa Thiên Huế tương lai ngắn gọn là TP Huế, mặc dù trong lịch sử, tên Thừa Thiên và sau đó là Thừa Thiên Huế đã có sự gắn bó lịch sử. Lý do chọn Huế là vì địa danh Huế đã xuất hiện trước khi các vua Nguyễn đặt tên Phủ Thừa Thiên. Thứ hai là trong tâm tư, suy nghĩ của mọi người, tên Huế trở nên thông dụng. Tôi cũng có nhiều dịp đi nước ngoài. Trong các giao dịch, địa danh Huế đã quá phổ biến, gọi Huế là hiểu rồi. Vì vậy xét về mặt thời gian, thông dụng và phổ quát, Huế được nhiều sự lựa chọn hơn.
Về phương án thành lập các đơn vị hành chính thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, trong 2 phương án đưa ra, tôi thấy phương án nào cũng có ưu điểm riêng. Với phương án 2 - thành lập 4 quận, theo tôi phương án này có ưu điểm là tạo cảm tưởng vùng nội thành có vẻ rộng, nhiều quận nội thành (đơn vị hành chính) hơn và tạo cảm giác mức độ đô thị hoá cao hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là phương án này sẽ nhiều hơn phương án 1 một quận, trong khi Nhà nước, Chính phủ hạn chế việc thành lập nhiều đơn vị hành chính.
Với phương án 1 - thành lập 3 quận, phía Bắc sông Hương 1 quận, Nam sông Hương 2 quận, về ưu điểm, phương án này phản ánh tính liên tục của đô thị Huế, phía Bắc gắn với lịch sử phát triển Kinh thành Huế và phố thị Huế suốt chiều dài lịch sử, phía Nam 2 quận cũng phản ánh xu hướng phát triển đô thị đầu thế kỷ 20 và phản ánh sự phát triển của đô thị Huế hiện đại và tương lai.
Tuy vậy, nhược điểm của phương án này là các quận nội thành tương lai số lượng hơi ít, mà số đơn vị hành chính hơi ít gây ra cảm tưởng mức độ đô thị hoá chưa được cao lắm. Tuy nhiên, phương án này hợp lý hơn và hội đủ nhiều ưu điểm nhất, đó là đủ điều kiện về yếu tố lịch sử hình thành đô thị, hạn chế số lượng đơn vị hành chính trong bối cảnh hiện đại. Còn trong quá trình dài sau này, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp các thị xã lên thành các quận nội thành của TP.Huế trực thuộc Trung ương.
Nhà báo Thanh Tùng:
Tại đô thị hạt nhân chỉ nên thành lập 2 quận
Đọc nhanh bản tóm tắt một số nội dung liên quan đến hội thảo, tôi rất vui khi thấy đã có sự đồng thuận về danh xưng của tỉnh Thừa Thiên Huế khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương là thành phố Huế.
Danh xưng Huế ngoài để chỉ giới hạn địa giới hành chính còn có ý nghĩa lịch sử, chiều dày văn hóa; có giá trị thương hiệu, đã được nhiều người biết. Tháng 7/1989, khi chia lại tỉnh, tờ báo của Đảng bộ địa phương có tên là Huế Ngày Nay. Măng-séc tờ báo có lợi thế đối ngoại và phát hành ở ngoài tỉnh; được sự hoan nghênh, đón nhận của độc giả ngoài tỉnh, đặc biệt là bà con đồng hương Huế ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Về phương án thành lập các đơn vị hành chính, theo tôi, tại vùng đô thị hạt nhân là thành phố Huế hiện tại, có mở rộng một số phường vùng ven của thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang, chỉ nên thành lập hai quận, theo hai bờ Nam-Bắc sông Hương. Quận phía Bắc có thể mở rộng thêm ba phường: xã Hương Vinh, Hương Hồ, Hương Thọ.
Chưa nên thành lập 3 quận vì hai lý do. Một là đội ngũ cán bộ đang yếu và thiếu. Hai là dân số ít mà phải nuôi nhiều cán bộ; kinh phí đang khó khăn mà phải xây dựng nhiều trụ sở cơ quan hành chính sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cả thành phố vừa được mở rộng. Sau này, tùy theo tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế, xã hội, dân số, đến thời điểm thích hợp sẽ chia tách hai quận thành bốn.
Tên gọi hai quận đặt theo địa danh sở tại. Quận bờ Bắc sông Hương là Phú Xuân; quận bờ Nam là Ngự Bình. Không nên dùng địa danh Thuận Hóa để đặt tên cho đơn vị hành chính cấp quận. Vì Thuận Hóa trong lịch sử vốn là vùng đất bao gồm 5 tỉnh, thành phố, trải dài từ bờ Bắc sông Gianh (Quảng Bình) đến bờ Bắc sông Thu Bồn (Quảng Nam).
Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh:
Huế là danh xưng từ lâu và mang tính quốc tế
Theo tôi, khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, nên đặt tên là thành phố Huế. Trong văn liệu cổ, chữ “Huế” được ký âm là “Hóa”, được tìm thấy trong tác phẩm “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn”, tương tuyền của vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV).
Tôi có lưu trữ một văn bản về ngoại giao năm 1956 của lãnh sự quán Trung Hoa Dân quốc, trong khuôn dấu đóng lên văn bản ghi rất rõ: “Lãnh sự quán trú Thuận Hóa” và một chữ “Hue” nằm độc lập. Mặc dù lúc đó đã đặt tên tỉnh là Thừa Thiên nhưng trong khuôn dấu ngoại giao, họ không dùng tên gọi Thừa Thiên mà dùng tên Thuận Hóa có từ gần 7 thế kỷ trước, bởi vì tên Thuận Hóa đã định danh từ xa xưa rồi. Tiếp theo, họ định danh là Huế. Khi khắc khuôn dấu như vậy thì nước ngoài đã nghiên cứu chiều sâu văn hóa của Việt Nam. Như vậy, tên Huế thực chất là một địa danh văn hóa bao gồm cả vùng Thừa Thiên. Trên các atlat quốc tế, người ta cũng ghi địa danh là Hà Nội – Huế - Sài Gòn. Huế là một danh xưng có từ lâu và mang tính quốc tế.
Một dẫn chứng thú vị nữa, trong cuốn Địa chí tỉnh Thừa Thiên năm 1973, ở phần phong tục có viết: “Người Thừa Thiên thường gọi chung là người Huế, tính hiền hòa, ưa chuộng lễ nghi và các tập quán cổ truyền”. Bây giờ, đi ra các bến xe ngoại tỉnh sẽ thấy tính vùng miền rất rõ. Trên những chiếc xe, người ta ghi hành trình đi và đến là: Huế - TP Hồ Chí Minh, Huế - Nha Trang, Huế - Buôn Mê Thuột, Huế - Vinh, Huế - Hà Nội... chứ không phải là Thừa Thiên Huế. Tên Huế đã được định danh ngay trong sinh hoạt đời thường.
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có trên 400 xã làm nông nghiệp, gần 80% dân số thủ đô là nông dân. Khi sáp nhập, nguyên tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc)... sáp nhập về thủ đô Hà Nội, trong đó có những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc của Hà Tây nhưng họ vẫn là người Hà Nội. So sánh như thế để thấy, dù tỉnh ta có 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới thì lấy tên gọi là thành phố Huế vẫn không có vấn đề gì.
Về chia quận, tôi đồng ý phương án 2 là thành lập 4 quận, vì theo điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Huế đã nới rộng diện tích từ 71km2 lên 348km2. Theo tôi, tên gọi của Quận 1 nên là Thuận Hóa; Quận 2 là Nam Giao; Quận 3 là Phú Xuân; Quận 4 là Gia Hội. Các thị xã và các huyện còn lại tôi thấy phân chia như vậy là hợp lý.
Nhà báo, nhà nghiên cứu Huế - Dương Phước Thu:
Nên có thêm quận Hương Điền hoặc Ngũ Điền
Theo tôi, nên lấy tên là thành phố Huế vì chữ Huế đã đi vào người dân cả nước chứ không chỉ người dân Huế. Thành phố Huế hiện nay được bạn bè, đặc biệt giới trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí xem là vị trí trung tâm của khu vực và cả nước. Trong những năm từ 1965-1970, Huế đã từng có vị trí chiến lược khi được Trung ương nâng cấp thành phố Huế ngang tỉnh Thừa Thiên Huế. Về phần Hội nhà báo Thừa Thiên Huế, từ năm 1993-1994 đã đặt tên cơ quan là Nhà báo Huế vì các anh lãnh đạo hội thời đó mong muốn, kỳ vọng cho Huế có vị trí trung tâm, thành phố trực thuộc Trung ương nên đã đặt tên cho cơ quan ngôn luận của mình như vậy để định hướng cho nhiều năm sau. Sau năm 1945, một số tờ báo ở miền Trung trong đó có tờ Chiến sĩ của Ủy ban Quốc phòng Thừa Thiên đã gọi Huế là thủ đô Trung bộ Điều này cho thấy tầm quan trọng từ xưa. Chữ Huế có một nghĩa là thành phố bên dòng sông thơm (sông Hương). Festival Huế từ năm 2000 cũng đã lấy tên là Festival Huế chứ không phải là Festival Thừa Thiên Huế nên không có lý do gì không lấy tên Huế để đặt tên cho thành phố khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngang tầm với các thành phố khác. Nhiều nguyên nhân, nhiều lý do nhưng cái chính, chữ Huế đã đi vào thi ca, thương hiệu trong lòng người dân và bạn bè quốc tế nên phải giữ lại và nâng cấp để xứng đáng với thành phố này và một phần chuyển tải thông điệp của tương lai kinh đô. Tôi tin không chỉ người Huế mà đa số người dân cả nước sẽ đồng ý bởi sự hợp tình hợp lý này.
Với phương án thành lập các đơn vị hành chính thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trong đề án, theo tôi, ngoài các quận đưa ra trong đề án, nên có thêm quận Hương Điền hoặc Ngũ Điền để có điều kiện, cơ sở phát triển, bởi khu vực này rất đặc trưng nằm ở vùng ven biển, sau lưng là đầm phá, nếu xa vùng trung tâm quá thì rất khó phát triển.
                                                                                                               ( Nguồn Báo Thừa Thiên Huế online)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 57.185
Truy câp hiện tại 1.200