Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Từ ngày 01/7/2014, 5 Luật đã ban hành năm 2013 sẽ chính thức có hiệu lực. Xin giới thiệu lại một số nội dung nổi bật trong các Luật này như sau:
Ngày cập nhật 30/06/2014

1/ Luật đất đai 2013 có những thay đổi quan trọng sau:

- Bổ sung đối tượng sử dụng đất là tổ chức kinh tế liên doanh.

- Cụ thể hóa các quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan nhà nước/tổ chức đối với đất được giao quản lý. 

- Nhà nước toàn quyền quyết định mục đích, hạn mức, thời hạn và đối tượng được trao QSD đất; quyết định giá đất, chính sách tài chính về đất đai 

- Quy định điều kiện, thẩm quyền, thủ tục thu hồi đất; đồng thời có những chế tài mạnh xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, không/chậm trễ đưa vào sử dụng đất được giao, cho thuê.

- Nghiêm cấm các giao dịch đối với đất chưa đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm hạn chế giao dịch ngầm.

- Bổ sung quy định điều tra, đánh giá, báo cáo về tài nguyên đất đai, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (hệ thống 5 cấp), xác lập địa giới hành chính

- Cụ thể điều kiện được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, chính sách đặc thù đối với các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng, dự án đầu tư tại khu vực biên giới, ven biển và hải đảo.

- Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm;  cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ diện tích lớn hơn (không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp).

- Điều chỉnh quy định về cấp giấy chứng nhận QSD đất, QSH nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: 

+ Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có sở hữu chung QSD đất, nhà ở hay tài sản gắn liền với đất trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

+ Quy định các trường hợp SD đất được và không được cấp sổ đỏ; cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có/không có các giấy tờ về QSD đất trước ngày 01/7/2014.

- Luật còn dành một chương quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai được công khai, minh bạch, đảm bảo dân chủ.

Hiện tại Chính phủ đã ban hành các Nghị định 43/2014/NĐ-CP, 44/2014/NĐ-CP,45/2014/NĐ-CP, 46/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật này.

Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được hướng dẫn bởi Thông tư 23/2014/TT-BTNMT .

2/ Luật đấu thầu 2013 có một số thay đổi quan trọng sau đây:

Mở rộng phạm vi điều chỉnh so với luật năm 2005: thêm các dự án đầu tư phát triển của DN nhà nước (không phân biệt nguồn vốn) và mua sắm (nguồn vốn NN) cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công.

Luật mới có thêm một mục riêng quy định về thuốc, vật tư y tế, thêm hình thức đàm phán giá đối với gói thầu mua thuốc trong một số trường hợp đặc biệt.

Về hình thức lựa chọn nhà thầu, bổ sung hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng đối với gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.

Về phương thức đấu thầu, Luật năm 2013 quy định rõ hơn với 4 phương thức: phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ; một giai đoạn hai túi hồ sơ; hai giai đoạn một túi hồ sơ; hai giai đoạn hai túi hồ sơ.

Về chính sách ưu đãi, quy định áp dụng cho nhà thầu cung cấp hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên; khuyến khích sử dụng lao động là nữ giới, thương binh, người khuyết tật.

Nhà thầu nước ngoài đấu thầu quốc tế tại VN phải liên danh với nhà thầu trong nước. 

3/ Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 khắc phục những điểm bất cập của Luật năm 2005, thông qua một số điều chỉnh quan trọng:

- Quy định chi tiết thế nào là hành vi gây lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quyết toán ngân sách, mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện, quản lý đất đai, tài nguyên, sử dụng LĐ...

- Bổ sung quy định về khen thưởng và nguồn khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, tham gia phát hiện lãng phí, chống lãng phí.

4/ Luật tiếp công dân 2013 quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân và các điều kiện bảo đảm.

Nguyên tắc cơ bản là phải được tiến hành tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo đảm công khai, dân chủ, bảo đảm an toàn cho người tố cáo, đảm bảo các quyền của người khiếu nại, tố cáo.

Trách nhiệm tiếp công dân thuộc về các cơ quan nhà nước, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập…

Người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp theo Luật định như: người say xỉn, mắc bệnh tâm thân; người có hành vi đe dọa, xúc phạm các cơ quan, tổ chức, cá nhân; người cố tình khiếu nại tố cáo kéo dài trái quy định...

5/ Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013

Theo quy định của Luật này, kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và các điều kiện khác.

Bổ sung quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở hạt nhân, cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, bổ sung chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy, cụ thể hóa trách nhiệm của các cá nhân trong phòng cháy, chữa cháy

Ngoài ra, kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người đã đưa vào sử dụng trước 04/10/2001 phải có phương án di chuyển, bảo đảm khoảng cách an toàn.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 57.185
Truy câp hiện tại 305