Xuất phát từ tình yêu với thành phố nơi mình sinh sống và học tập, một nhóm bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học của Trường đại học Khoa học - Đại học Huế đã bỏ nhiều tâm huyết và thời gian để thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cải tạo cảnh quan Hộ thành hào thuộc hệ thống phòng thủ Kinh thành Huế”. Đề tài mới đây đã đoạt giải cao nhất - giải Nhì (không có giải Nhất) ở lĩnh vực kiến trúc Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2013.
“Hộ thành hào vốn có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, cảnh quan và là tuyến phòng thủ bằng đường thủy quan trọng không thể thiếu trong nghệ thuật kiến trúc thành trì xưa. Dưới tác động của thiên nhiên và con người, Hộ thành hào đã bị biến đổi. Tình trạng các hộ dân lấn chiếm ngày càng nghiêm trọng khiến di tích dần mất đi vẻ đẹp và chức năng vốn có của nó. Đây chính là lý do cả nhóm quyết định nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cải tạo cảnh quan Hộ thành hào, trả lại vẻ đẹp và chức năng nguyên thủy của nó”, Võ Văn Quả hào hứng nói về công trình tâm huyết nhóm thực hiện hai năm qua.
Từ bến thuyền trên sông Hương, thuyền rồng có thể di dọc theo hai con sông Vạn Xuân
và Đông Ba để vào Kinh thành. Ảnh phối cảnh do nhóm tác giả cung cấp
Có rất nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này, làm sao để đề tài nghiên cứu của mình toàn diện hơn và mới hơn chính là vấn đề không đơn giản. Để có thể đưa ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm cải tạo cảnh quan Hộ thành hào vốn ngày càng xuống cấp hiện nay, tụi em đã phải sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu như khảo sát thực địa, điều tra xã hội học, phương pháp phân tích cấu trúc không gian, phân tích tổng hợp và mô hình hóa, tái hiện không gian bằng phương pháp 3D”, Minh Phụng chia sẻ.
Những giải pháp hợp lý
Hà Xuân Du, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, ngoài chức năng bảo vệ trực tiếp Kinh thành, Hộ thành hào còn là nơi để trồng sen, trang trí cho vẻ đẹp của Kinh đô triều Nguyễn và điều tiết mực nước, tham gia cấp thoát nước cho toàn bộ Kinh thành Huế. Ngày nay, kiến trúc cảnh quan Hộ thành hào rất quan trọng bởi nó thể hiện bộ mặt của Kinh thành Huế và đặc biệt liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân xung quanh. Chính vì vậy, cả nhóm đã quyết định dùng những nguyên tắc truyền thống trong thiết kế cảnh quan của Huế áp dụng cho Hộ thành hào để thiên nhiên và con người hòa quyện lẫn nhau góp phần nâng cao cuộc sống của người dân.
Thiết kế bến thuyền ở Đông và Tây thành thủy quan được dùng làm nơi nghỉ chân
cho du khách. Ảnh phối cảnh do nhóm tác giả cung cấp
Trong các ý tưởng và giải pháp mà nhóm đưa ra, các yếu tố cảnh quan và môi trường thuận lợi được sử dụng làm tiền đề để phát triển Hộ thành hào thành một không gian mở, không gian công cộng, nơi giao lưu văn hóa, du lịch, nơi sinh hoạt vui chơi nghỉ dưỡng dành cho tất cả mọi người trong cộng đồng. Từ đây cũng có thể thực hiện một số hoạt động phục vụ các dịp lễ hội như Festival Huế. Võ Văn Quả hào hứng: “Tụi em đưa ra phương án thành lập những tuyến đi bộ dọc Hộ thành hào để tạo cảnh quan sống động và tận dụng được cảnh đẹp; bổ sung những công trình cần thiết cho khu vực như các quán cafe, giải khát. Các quán này được thiết kế bằng vật liệu tự nhiên như tre và có hình thức phù hợp với các công trình cổ đã có trên khu vực Hộ thành hào. Các cửa hàng lưu niệm và buôn bán các mặt hàng đặc trưng như hoa sen, hạt sen và mở các tuyến phố đêm du lịch ở khu vực Trần Huy Liệu. Cũng sẽ có những không gian dành cho những trò chơi nhẹ nhàng như cờ vua, cờ tướng. Những không gian công cộng xung quanh cũng được quy hoạch lại để giải quyết các nhu cầu cần thiết của người dân và làm đẹp hơn cảnh quan”. Ngoài ra, nhóm cũng mạnh dạn đề xuất một tuyến du lịch bằng thuyền thú vị cho du khách trên Hộ thành hào: khách du lịch sẽ được đi thuyền rồng từ bến thuyền trên sông Hương di dọc theo hai con sông Vạn Xuân và Đông Ba để vào kinh thành. Sẽ có 2 bến thuyền nhỏ được bố trí ở Đông và Tây thành Thủy quan được dùng làm nơi nghỉ chân cho du khách. Từ đây, khách sẽ di chuyển từ thuyền rồng sang những chiếc thuyền nhỏ để tham quan Hộ thành hà - hệ thống sông đào.
Để các ý tưởng trên có thể thực hiện được, nhóm bạn trẻ đã đề xuất các giải pháp cần thực hiện như: giải tỏa một bộ phận dân cư sống lấn chiếm trên Hộ thành hào, chủ yếu là khu vực phía Nam và phía Đông Kinh thành, tiếp tục giải tỏa số dân sống trên Thượng thành (Eo Bầu). Sửa chữa các đoạn hư hại của tường thành, cầu cống và cổng thành trong khu vực Hộ thành hào. Phục dựng Quan tượng đài và tiến hành tu bổ các công trình lịch sử. Nạo vét Hộ thành hào trên toàn tuyến để lưu thông dòng nước. Đặc biệt là 2 điểm nút giao thông ở hai cống phía Tây và Phía Đông thành hiện đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Khoanh vùng bảo vệ để xây kè tu bổ hệ thống Hộ thành hào. Tiến hành kiểm kê, khoanh vùng và xây dựng dự án xây bờ kè, tu bổ hệ thống đồng bộ. Xây dựng dự án tiêu thoát nước thải cho TP. Huế trong đó cần đặc biệt lưu ý đến thủy hệ Kinh thành Huế.
Những ý tưởng về một không gian mở, không gian công cộng ở Hộ thành hào và giải pháp mang tính tổng thể mà nhóm nghiên cứu không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong vùng mà còn góp phần giải quyết tệ nạn xã hội và tạo thêm một điểm dừng chân lý thú cho du khách đến Huế.
( nguồn: Ngọc Hà - Báo Thừa Thiên Huế online)