Ngày14 tháng 6 năm 2014 Hội đồng nhân dân phường Phú Hòa khóa X đã tổ chức kỳ họp chuyên đề về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND phường đã nghe báo cáo tóm tắt đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang để thành lập các quận và thành lập các phường thuộc các quận của thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Trong đề án đã nêu và phân tích rõ một số nội dung như:
Danh xưng “Huế” đã được sử dụng một cách rộng rãi và trở thành biểu tượng văn hóa của một vùng đất. Nói cách khác, địa danh Huế đã có lịch sử tồn tại lâu đời và đã khắc sâu trong ký ức của người dân Huế nói riêng, người Việt Nam và bạn bè quốc tế nói chung. “Huế” được sử dụng một cách trang trọng, phổ biến trong mọi mặt của đời sống xã hội, như người Huế, văn hóa Huế, du lịch Huế, di tích Huế, nhã nhạc cung đình Huế, âm sắc Huế, Festival Huế... Đối với bạn bè quốc tế, tên gọi “Huế” từ lâu đã được biết đến qua nhiều sự kiện và được xem như cả một vùng đất, với cách nói quen thuộc là “xứ Huế”.
Hơn nữa, trong tâm thức của đại đa số người dân Thừa Thiên Huế, dù sinh sống tại địa phương hay đi làm ăn xa đều luôn nhận mình là “dân Huế” với niềm tự hào to lớn. Bởi vậy, có lẽ duy nhất người dân Thừa Thiên Huế mới có rất nhiều “Hội người yêu Huế” ở khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Như vậy, tên gọi “Huế” đã đại diện đầy đủ cho vùng đất Thừa Thiên Huế.
Sau khi đánh giá, phân tích các yếu tố lịch sử, văn hóa - xã hội trong quá trình phát triển của Thừa Thiên Huế, tên gọi thành phố Huế vừa có tính lịch sử lâu đời, vừa gần gũi và quen thuộc không chỉ với đại đa số người dân và du khách trong nước mà còn là địa danh được xác định trên bản đồ du lịch thế giới, bản đồ các di sản văn hóa lịch sử thế giới; là địa danh được chính khách, du khách và những người quan tâm đến Việt Nam trên thế giới luôn nhắc đến cùng với Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khi nói tới Việt Nam. Tên gọi Huế đã bao quát và chứa đựng được những đặc trưng nhất về lịch sử chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của một vùng đất từng là Kinh kỳ của đất nước trong thời kỳ cận đại.
Đồng thời, trên cơ sở tổng hợp kết quả lấy phiếu thăm dò của các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ chủ chốt đương nhiệm và cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cũng như kết quả lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân qua các cuộc họp ở khu dân cư và trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, gần 100% ý kiến đồng ý chọn tên gọi là thành phố Huế.
Do vậy, kiến nghị tên gọi là: Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở 27 phường hiện tại của thành phố Huế, sáp nhập thêm phường Thủy Dương và các xã Thủy Bằng, Thủy Vân, Thủy Thanh của thị xã Hương Thủy; xã Phú Thượng, xã Phú Mỹ của huyện Phú Vang và triển khai quy trình để chuyển các xã thành phường theo quy định hiện hành (các xã này có vị trí địa lý giáp ranh thành phố Huế và đã được đầu tư phát triển về kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng đảm bảo tiêu chí để trở thành phường). Lúc này, khu vực nội thị có 33 phường để chia thành 03 quận; dự kiến tên gọi và tổ chức hành chính thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương như sau:
Quận Hương Giang/hoặc quận Vỹ Dạ (do HĐND tỉnh quyết định)
Thành lập Quận Hương Giang/hoặc quận Vỹ Dạ trên cơ sở 06 phường phía Đông Nam thành phố Huế và sáp nhập thêm các phường Thủy Vân, Thủy Thanh từ thị xã Hương Thủy, các phường Phú Thượng, Phú Mỹ từ huyện Phú Vang (giữ nguyên hiện trạng và địa giới hành chính tất cả các đơn vị). Quận Hương Giang/hoặc quận Vỹ Dạ có 10 đơn vị hành chính, bao gồm 10 phường: Vỹ Dạ, Xuân Phú, An Đông, Phú Hội, Phú Nhuận, Vĩnh Ninh, Thủy Vân, Thủy Thanh, Phú Thượng và Phú Mỹ.
Quận Hương Giang/hoặc quận Vỹ Dạ là quận trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... của thành phố trực thuộc Trung ương tương lai, là nơi còn nhiều quỹ đất để xây dựng, phát triển đô thị và là nơi tập trung nhiều trụ sở các cơ quan hành chính quan trọng của thành phố. Ngoài ra, khu vực Thủy Vân, Thủy Thanh, Phú Thượng, Phú Mỹ được quy hoạch để phát triển du lịch, dịch vụ làng nghề thủ công. Theo tiến trình phát triển đô thị của địa phương, Quận Hương Giang/hoặc quận Vỹ Dạ là nơi được tập trung phát triển cơ sở hạ tầng trong thế kỷ XXI, với các khu đô thị mới, đô thị kiểu mẫu, bao gồm các tòa nhà cao tầng, chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê...
Diện tích tự nhiên: 4.267,5 ha.
Dân số: 116.255 người.
Quận Ngự Bình/hoặc quận Nam Giao (do HĐND tỉnh quyết định)
Thành lập Quận Ngự Bình/hoặc quận Nam Giao trên cơ sở 7 phường phía Tây Nam thành phố Huế và sáp nhập thêm phường Thủy Dương và phường Thủy Bằng của thị xã Hương Thủy (giữ nguyên hiện trạng và địa giới hành chính tất cả các đơn vị). Quận Ngự Bình/hoặc quận Nam Giao có 9 đơn vị hành chính, bao gồm 9 phường: An Cựu, An Tây, Phước Vĩnh, Trường An, Phường Đúc, Thủy Xuân, Thủy Biều, Thủy Dương và Thủy Bằng.
Quận Ngự Bình/hoặc quận Nam Giao được quy hoạch là vùng lõi phía Tây của đô thị trung tâm thành phố tương lai, nơi tập trung khu nghiên cứu phát triển và công nghiệp tri thức; đặc biệt, đây là khu quy hoạch tập trung của Đại học Huế chất lượng cao của miền Trung và Tây Nguyên.
Diện tích tự nhiên: 6.699,3 ha.
Dân số: 122.609 người.
Quận Kinh Thành/hoặc quận Phú Xuân (do HĐND tỉnh quyết định)
Thành lập Quận Kinh Thành/hoặc quận Phú Xuân trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng và địa giới hành chính của 14 phường phía Bắc thành phố Huế. Quận Kinh Thành/hoặc quận Phú Xuân có 14 đơn vị hành chính, bao gồm 14 phường: Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hòa, Phú Thuận, Kim Long, Hương Long, An Hòa, Hương Sơ, Phú Bình, Phú Hòa, Phú Cát, Phú Hiệp và Phú Hậu.
Quận Kinh Thành/hoặc quận Phú Xuân là nơi tập trung các di tích, di sản, nhà vườn... nên định hướng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà vườn. Quận Kinh Thành/hoặc quận Phú Xuân còn là nơi tập trung chuỗi đô thị phố cổ (như Phú Hiệp, Phú Cát, chợ Dinh...), được quy hoạch phát triển cụm công nghiệp phụ trợ về văn hóa, di sản; có chợ Đông Ba nổi tiếng trên địa bàn, là nơi tập trung buôn bán sầm uất và giàu tiềm năng phát triển các loại hình dịch vụ. Theo lịch sử phát triển, Quận Kinh Thành/hoặc quận Phú Xuân là nơi tập trung các di sản văn hóa của thế kỷ XIX.
Diện tích tự nhiên: 2.844,6 ha.
Dân số: 167.300 người.
Thị xã Hương Thủy
Sau khi chuyển phường Thủy Dương, xã Thủy Bằng về Quận Ngự Bình/hoặc quận Nam Giao; xã Thủy Vân và xã Thủy Thanh về Quận Hương Giang/hoặc quận Vỹ Dạ, thị xã Hương Thủy còn 8 đơn vị hành chính, bao gồm 4 phường (Phú Bài, Thủy Lương, Thủy Châu, Thủy Phương) và 4 xã (Thủy Tân, Thủy Phù, Phú Sơn, Dương Hòa).
Diện tích tự nhiên: 40.708,5 ha.
Dân số: 66.003 người.
Huyện Phú Vang
Sau khi chuyển 02 xã Phú Thượng và Phú Mỹ vào Quận Hương Giang/hoặc quận Vỹ Dạ, huyện Phú Vang còn lại 18 đơn vị hành chính, bao gồm 02 thị trấn (Thuận An, Phú Đa) và 16 xã (Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh, Phú An, Phú Xuân, Phú Lương, Phú Hồ, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Thái, Vinh Phú và Vinh Hà).
Diện tích tự nhiên: 26.237,7 ha.
Dân số: 157.128 người.
Các huyện Quảng Điền, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông và thị xã Hương Trà giữ nguyên hiện trạng như trước đây.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt đề án, các đại biểu HĐND phường đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết nhất trí với “Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang để thành lập các quận và thành lập các phường thuộc các quận của thành phố Huế trực thuộc Trung ương”.
Nhất trí chuyển nguyên trạng diện tích và dân số của phường Phú Hòa vào quận của thành phố Huế trực thuộc Trung ương như trong đề án.