Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Festival Huế - một kinh nghiệm về kết nối
Ngày cập nhật 18/02/2014
Trình diễn trang phục Hàn Quốc trong chương trình Đêm Phương Đông Festival Huế 2012

Sau nhiều năm, Thừa Thiên Huế đã “vươn vai trở mình”, sánh ngang với các địa phương trong nước và quốc tế về mặt “phát quang” và hội nhập văn hoá – du lịch. 7 kỳ Festival Huế từ năm 2000 đến nay đã có một vai trò quan trọng trong việc “phát quang” này và Festival Huế cũng gợi mở những kinh nghiệm quý giá về sự liên kết không chỉ ở trong nước…

Sự hội tụ không mua được bằng tiền

      Festival Huế khởi nguồn từ những kết quả bước đầu của Liên hoan Gặp gỡ Huế 1992 giữa Huế và Codev Việt - Pháp. Từ cuộc liên hoan có tính thăm dò này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hình thành ý tưởng tổ chức một festival với qui mô lớn hơn, chất lượng cao hơn. Tháng 10 năm 1998, Chính phủ quyết định cho phép Thừa Thiên Huế phối hợp với Ðại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức festival Huế 2000.

     Ngay sau đó, các nhóm chuyên gia kỹ thuật Việt - Pháp đã phối hợp khẩn trương chuẩn bị theo hướng tổ chức Festival Huế 2000 là một sự kiện văn hoá lớn của Việt Nam, vừa có quy mô quốc gia và có tính quốc tế, thu hút sự tham gia của các vùng văn hoá tiêu biểu ở Việt Nam và tiếp cận với nghệ thuật đương đại của Pháp, gắn mở rộng giao lưu văn hoá với phát triển kinh tế du lịch, từng bước tiếp thu công nghệ festival quốc tế. Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới làm hình mẫu tổ chức, với sự tài trợ và hợp tác của nhiều tổ chức phi chính phủ, hợp tác phi tập trung với các chính quyền vùng, thành phố quốc tế, trong đó bền bỉ, có hiệu quả nhất là với Cộng hoà Pháp.

    Ông Ngô Hoà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức festival Huế 2014 nhận định: Qua 7 kỳ festival, Huế đã từng bước thu hút hàng chục chương trình nghệ thuật của các quốc gia ở năm châu lục có mặt, trở thành điểm hẹn của di sản văn hoá và nghệ thuật đương đại của Huế, Việt Nam và nhiều nền văn hoá khác trên thế giới. Festival là nơi qui tụ, gặp gỡ đặc sắc của nhiều chương trình nghệ thuật, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Từ con số 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của 4 quốc gia ở festival Huế 2000, đến festival 2012 là 65 đơn vị và nhóm nghệ thuật, trên 2.000 nghệ sỹ (trong đó có trên 500 nghệ sĩ quốc tế) đến từ các vùng, miền Việt Nam và của 27 quốc gia; hơn 3.000 diễn viên không chuyên. Đó là sự hội tụ và lan toả không dễ gì mua được bằng tiền. 

Thu hút, liên kết bằng quan hệ hợp tác

     Ông Nguyễn Duy Hiền – nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế - khẳng định: Festival Huế có một đặc điểm mà không có festival nào trên thế giới có, là sự thu hút, sự liên kết tổ chức bằng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, giao lưu và quảng bá văn hoá. Các đoàn nghệ thuật quốc tế khi đến biểu diễn tại festival Huế đều được sự tài trợ của chính phủ hoặc các tổ chức kinh tế xã hội ở đất nước họ từ vé máy bay, chi phí luyện tập xây dựng chương trình theo yêu cầu chủ đề của ban tổ chức cho đến chi phí bồi dưỡng cho các nghệ sĩ. Ban tổ chức chỉ chi phí ăn ở và điều kiện biểu diễn, đi lại tại Huế. Các đoàn nghệ thuật trong nước cũng gần như tự trang trải các chi phí cho lực lượng nghệ sĩ của mình khi đến Huế biểu diễn. Ban tổ chức ngoài chi phí ăn ở tại chỗ, chỉ hỗ trợ thêm một phần bồi dưỡng khiêm tốn. Ở festival Huế không có hiện tượng các “sao” hét giá như các hoạt động biểu diễn hay lễ hội khác. Các doanh nghiệp đồng hành với festival Huế với ý thức góp phần tôn vinh các giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc, là những nhà tài trợ sạch đúng nghĩa, nhưng con số tài trợ cho các kỳ vẫn tăng tiến không ngừng. Từ chỗ chỉ vài ba tỷ cho kỳ festival đầu tiên, đến nay đã suýt soát gần 20 tỷ.

     Cố vấn Tổng Giám đốc UNESCO tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Richard Enghenhart từng nói: “Lễ hội văn hoá Huế được tổ chức chính là một minh chứng cho sự thành công mà truyền đạt được trong việc phục hồi lại các công trình kiến trúc của quá khứ cùng với việc làm sống lại các truyền thống văn hoá trước đây.... Di sản văn hoá Huế không còn là những di tích của quá khứ, nó sẽ là những cơ sở sống động cho sự phát triển trong tương lai của nhân dân và của tỉnh Thừa Thiên Huế...”

     Và thực tế đã chứng minh 13 năm qua, hoạt động festival đã nối kết giữa Huế trong lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai. Festival cũng đã nối kết giữa Huế, Việt Nam và thế giới. Từ khi có festival đầu tiên 1992, nhã nhạc cung đình, múa cung đình, ca Huế, diều Huế, lân Huế, nón Huế, áo dài, nghệ thuật Huế, hình ảnh Huế... hàng năm liên tục đến với các sự kiện chính trị quan trọng cũng như các liên hoan nghệ thuật và festival quốc tế ở các nước. Cùng với festival, Huế đã trở thành một trong những tâm điểm thu hút, hội tụ và lan toả các giá trị văn hoá.

     Festival Huế là một sự thành công trên con đường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hoá. Chính sự hợp tác này đã là một yếu tố đòi hỏi chúng ta phải tự nâng cao tầm nhìn, sự hiểu biết, các kiến thức và kỹ năng tổ chức sự kiện của chúng ta, hơn thế nữa, biến các nhận thức và kỹ năng đó thành các hành động trong thực tiễn.

 

 

Hoàng Văn Minh(baothuathiienhue.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 57.185
Truy câp hiện tại 62