“Tình trạng rải tiền vàng bạc, đốt vàng mã đang có chiều hướng phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi gia đình mà còn lan tràn ngoài xã hội với nhiều hình ảnh phản cảm và được sử dụng một cách thái quá, gây nên sự mê tín dị đoan, ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, dễ trở thành hủ tục, vấn nạn trong văn hóa tâm linh người Huế.
Điều này còn có khả năng trở thành hiểm họa về môi sinh, đạo đức”-Thượng tọa Thích Huệ Phước, Uỷ viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khẳng định với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế như thế.
Thưa Thượng tọa, trong Phật giáo có kinh sách nào ghi lại việc Phật dạy cúng vong linh hoặc khấn vái người quá cố thì phải rải, đốt vàng mã?
Trong Phật giáo không có kinh sách nào ghi lại việc Phật dạy cúng vong linh hoặc khấn vái người quá cố thì phải đốt vàng mã. Tục đốt vàng mã không xuất xứ từ Phật giáo. Bởi lẽ, đạo Phật là con đường đi lên của trí tuệ giác ngộ giải thoát, không có bóng dáng mê tín trong giáo lý nhà Phật. Phật giáo lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Quan điểm của đạo Phật luôn bác bỏ những tục lệ mê tín có phương hại đến thuần phong mỹ tục.
Vậy nhà chùa có bao giờ khuyến cáo các phật tử việc đốt vàng mã là thừa và lãng phí?
Nhà chùa có vai trò khuyên răn hàng cư sĩ phật tử không làm điều không phù hợp chánh đạo như rải tiền vàng bạc khi đưa tang và khuyến cáo sự lãng phí, nguy hại việc đốt vàng mã; giáo dục phật tử thực hành chánh đạo để tăng trưởng thiện căn phước đức trí tuệ. Luôn tinh cần phát huy nếp sống tri ân và báo ân phù hợp đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, để từ đó có những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc...
Theo Thượng tọa, có biện pháp nào để hạn chế tập tục đốt vàng mã hiện nay ở Huế?
Đồ vàng mã khó tách rời khỏi văn hóa tín ngưỡng dân gian, bởi lẽ nhiều người cho rằng đó là nét đẹp văn hóa của phong tục thờ cúng. Bên cạnh những giá trị tâm linh trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, chúng ta cần lưu tâm trước việc đốt vàng mã một cách thái quá gây lãng phí tiền của công sức, ảnh hưởng trật tự công cộng.
Phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là ý thức và trách nhiệm của tất cả mọi người trong xã hội. Sự nhận thức đúng đắn và chung lòng nỗ lực thực hiện nghiêm túc những Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy chế hoạt động văn hóa đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế tập tục đốt vàng mã lan tràn gia tăng hiện nay.
Thượng tọa có suy nghĩ và khuyên răn gì với những phật tử luôn quan niệm phải rải, đốt vàng mã thật nhiều để gặp nhiều may mắn, để “an lòng người đã khuất”?
Trong giai đoạn đất nước phát triển và hội nhập trào lưu văn minh nhân loại, chúng ta cần có cái nhìn đúng hơn về tục lệ này. Việc rải, đốt vàng mã hoàn toàn không phù hợp với đời sống xã hội hiện đại. Không ai không khỏi bức xúc khi thấy từ đoàn xe tang: rải hàng ngàn, hàng vạn tờ giấy vàng mã loạn xạ xuống đường phố vừa mới được quét sạch sẽ, hoặc tung tóe lên trời cao như cách đùa nghịch thiếu ý thức. Và thật hãi hùng biết bao khi chứng kiến cảnh đốt vàng mã với số lượng quá lớn. Rất nhiều thời gian mới cháy hết.
Mọi người phải có trách nhiệm xây dựng môi trường sống trong lành. Vì cội nguồn tâm linh đạo đức của mảnh đất thần kinh văn vật, cố đô cổ kính, của thành phố di sản văn hóa mà tự ý thức quản lý, điều chỉnh tục lệ đốt vàng mã cho hợp với thuần phong mỹ tục ngàn năm văn hiến, phù hợp với chủ trương xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn của tỉnh nhà hiện nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với những lợi ích thiết thực mà Phật giáo mang lại cho đời sống con người xứ Huế thân yêu.
(Nguồn báo Thừa Thiên Huế)
|