Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Làm cho ai cũng hiểu rõ sự tiến bộ của Hiến pháp năm 2013
Ngày cập nhật 11/03/2014
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: TTXVN.

        Hiến pháp năm 2013 được thông qua tại kỳ họp thứ sáu-Quốc hội khóa XIII gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Bản Hiến pháp có nhiều điểm mới, tiến bộ nhưng vẫn bị các thế lực thù địch xuyên tạc, công kích. Việc quan trọng lúc này là cần tuyên truyền sâu rộng về Hiến pháp, giúp cho mỗi người hiểu đúng bản chất tốt đẹp, những điểm mới và tiến bộ của Hiến pháp.

       Hiến pháp năm 2013 kế thừa những nội dung tiến bộ của 4 bản Hiến pháp trước đồng thời chắt lọc, tập hợp trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Hiến pháp cũng đã tham khảo, tiếp thu có chọn lọc nhiều nội dung Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rất rõ việc Nhà nước ta tôn trọng thực hiện các điều ước quốc tế nói chung. Một nguyên tắc đã được thừa nhận ngay tại Điều 12, Chương I của Hiến pháp là Nhà nước ta “tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

       Phần Lời nói đầu của Hiến pháp đã được hoàn thiện, ngắn gọn hơn Hiến pháp năm 1992 nhưng vẫn phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc và những mốc lịch sử quan trọng, những thành quả cách mạng đã đạt được.

       Ngay sau chương quy định về chế độ chính trị là chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chương này là một trong những nội dung rất mới, thể hiện tầm quan trọng của quyền con người trong Hiến pháp. Trong Hiến pháp năm 1992, vấn đề này được quy định tại Chương V về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Với việc ghi nhận trong Hiến pháp về quyền con người đã đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta tham gia ký kết. Hiến pháp đã làm rõ hơn các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân; thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Hai điểm mới đó là ghi nhận về quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và mọi người có quyền sống.

       Theo PGS, TS Tường Duy Kiên tại cuộc tọa đàm mới đây do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ tổ chức, Hiến pháp mới tiếp cận căn bản các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, thậm chí có một số nội dung rất tiến bộ so với tiêu chuẩn quốc tế. Quyền con người cũng không chỉ đề cập ở Chương II mà ở nhiều chương khác. So với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp mới đã tách bạch quyền con người và quyền công dân. Đây là nhận thức đúng, quyền con người là đối với mọi người, còn công dân thì chỉ là người Việt Nam mà không bị tước quyền công dân. Các quyền tự do ngôn luận, báo chí, đi lại, cư trú theo Hiến định Nhà nước cũng không can thiệp. Đặc biệt, chương về Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đều có chế định Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát phải bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Viện Kiểm sát có trách nhiệm bảo vệ quyền công tố, quyền con người; Tòa án có trách nhiệm bảo vệ công lý, quyền công dân. Như vậy, bộ máy Nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người này một cách căn bản giống như các nhà nước trên thế giới. Lần đầu tiên trong Hiến pháp mới của chúng ta quy định, trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện những công ước quốc tế, trong đó có những công ước liên quan đến quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Trong Hiến pháp mới cũng quy định rất rõ ràng, Nhà nước tôn trọng, thừa nhận và bảo đảm quyền con người. “Hơn thế, quyền con người được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không chỉ tiệm cận, mà có những điểm tiến bộ hơn các quy định cơ bản của quốc tế, như vấn đề nghĩa vụ của Nhà nước về quyền con người. Theo luật pháp quốc tế về nhân quyền, nghĩa vụ của nhà nước trong thực hiện quyền con người được thể hiện ở 3 cấp độ là “tôn trọng, bảo vệ, thực hiện” quyền con người. Vượt lên trên cả 3 cấp độ đó, trong Hiến pháp mới của chúng ta quy định, nghĩa vụ của Nhà nước là “tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm” quyền con người. Ở đây, “bảo đảm” là bao trùm nhất, theo tôi như vậy là rất tiến bộ so với tiêu chuẩn quốc tế”-PGS,TS Tường Duy Kiên khẳng định.

       Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, Hiến pháp năm 2013 rất sáng tạo khi đã gộp Chương II và Chương III của Hiến pháp năm 1992, thể hiện được sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với các vấn đề khác của xã hội. Việc thêm nội dung môi trường là một điểm mới, rất phù hợp thực tế. Đó là những yêu cầu tất yếu của xã hội hiện nay.

       Hiến pháp năm 2013 cũng đã làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong thống lĩnh lực lượng vũ trang; giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân. Quy định làm cơ sở để lực lượng vũ trang tham gia vào việc bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới, từng bước nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

       Nếu coi Hiến pháp năm 1992 hướng tới đổi mới chính quyền ở Trung ương (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) thì Hiến pháp năm 2013 hướng tới đổi mới chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) và các cơ quan tư pháp ở địa phương (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân). Hiến pháp mới đã tạo cơ sở cho việc quy định mở về chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do luật định.

       Trong Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước được hiến định, thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan này, từng bước tạo sự kiểm soát độc lập việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Việc nâng cao vai trò Kiểm toán Nhà nước phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như mong muốn góp phần giảm tham nhũng, lãng phí trong bộ máy Nhà nước.

       Một cơ quan mới, lần đầu tiên có trong Hiến pháp của Việt Nam là Hội đồng bầu cử quốc gia. Việc có Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động thường xuyên, thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử.

       Có thể nói, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trong thời kỳ mới. Vậy mà có những người, có thể do chưa đọc, chưa hiểu nội dung của bản Hiến pháp mới lại phát biểu hồ đồ, cho rằng, “Hiến pháp mới chẳng có gì mới so với Hiến pháp cũ”, “Hiến pháp mới lạc hậu hơn Hiến pháp cũ”, Hiến pháp mới là “bình mới, rượu cũ”… Cũng có thể họ có đọc bản Hiến pháp mới nhưng lại xuyên tạc sự thật.

       Hiện nay, công tác tuyên truyền Hiến pháp năm 2013, đưa Hiến pháp vào cuộc sống đã được các cơ quan chức năng của Nhà nước ta khẩn trương, nghiêm túc thực hiện. Người dân Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các nội dung của bản Hiến pháp và cảm nhận được những nét mới, sự tiến bộ của Hiến pháp năm 2013. Và chắc chắn, sự xuyên tạc Hiến pháp sẽ bị người dân bác bỏ.

 

                                                             ĐỖ PHÚ THỌ (nguồn báo Quân đội nhân dân online)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 57.185
Truy câp hiện tại 1.099