Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
HỘI NGHỊ GẶP MẶT NHÂN DỊP TÁI BẢN VÀ PHÁT HÀNH TẬP SÁCH LỊCH SỬ PHONG TRÀO ĐÔ THỊ HUẾ, 1954 - 1975 VÀ KỶ NIỆM 73 NĂM LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG VIỆT NAM (15/7/1950 - 15/7/2023)
Ngày cập nhật 11/07/2023

 

 

HỘI NGHỊ GẶP MẶT NHÂN DỊP TÁI BẢN VÀ PHÁT HÀNH TẬP SÁCH LỊCH SỬ PHONG TRÀO ĐÔ THỊ HUẾ, 1954 - 1975 VÀ KỶ NIỆM 73 NĂM LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG VIỆT NAM (15/7/1950 - 15/7/2023)

-----

 

I. HỘI NGHỊ GẶP MẶT NHÂN DỊP TÁI BẢN VÀ PHÁT HÀNH TẬP SÁCH LỊCH SỬ PHONG TRÀO ĐÔ THỊ HUẾ, 1954 - 1975

Hội nghị gặp mặt nhân dịp tái bản và phát hành tập sách “Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975” sẽ được Thành ủy Huế tổ chức vào ngày 14/7/2023 tại Hội trường Trường Đại học Sư phạm Huế (Số 32 đường Lê Lợi, thành phố Huế). Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2023).

Phong trào đô thị ở miền Nam nói chung và phong trào đô thị ở Huế nói riêng bùng phát ngay từ những ngày đầu cả dân tộc ta bước vào cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ xâm lược và ngày càng phát triển sâu rộng cho đến khi cả dân tộc ca khúc khải hoàn chiến thắng, non sông thu về một mối. Phong trào này đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các giai tầng xã hội, đặc biệt là trong thanh niên, học sinh, sinh viên ở các đô thị bị chiếm đóng.

Cùng với thanh niên, học sinh, sinh viên của cả nước, thanh niên, sinh viên, học sinh Huế đã tổ chức, tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và nguỵ quyền tay sai với nhiều hình thức như: xuống đường tranh đấu; Tiếng hát những đêm không ngủ; Đốt lửa căm thù; Phong trào đốt xe Mỹ; Phong trào chống quân sự học đường, chống đôn quân, bắt lính; Phong trào chống đàn áp sinh viên học sinh; Phong trào  đòi dân sinh dân chủ, Phong trào đòi Mỹ rút quân, đòi Thiệu từ chức... Trong phong trào đấu tranh đô thị, thanh niên, học sinh, sinh viên Huế đã bị chính quyền tay sai Mỹ đàn áp dã man, bị bắt tra tấn, tù đày hòng dập tắt ý chí đấu tranh của tuổi trẻ. Nhưng được sự đùm bọc giúp đỡ, ủng hộ của đồng bào các anh, các chị đã đoàn kết sát cánh, đấu tranh bền bỉ, không khoan nhượng nên phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên ngày càng lớn mạnh.

Năm 1963, phong trào đấu tranh của đồng bào, thanh niên, sinh viên, học sinh Huế được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Thành đồng hạng Nhất.

          Với những chiến công của mình, thanh niên, học sinh, sinh viên Huế đã cùng với Đảng bộ, quân và dân Thành phố khẳng định và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của Đảng bộ, quân và dân thành phố Huế, góp phần to lớn làm nên chiến thắng Mậu Thân năm 1968 và đại thắng Mùa Xuân 1975. Cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên Huế trong phong trào đấu tranh đô thị là một bộ phận khăng khít của cách mạng Việt Nam.

Nhằm khẳng định vị trí, sự đóng góp của phong trào đô thị Huế, đồng thời ghi nhận công lao to lớn của các tầng lớp Nhân dân Huế trong sự nghiệp đấu tranh đòi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, tự do, dân chủ, dân sinh (trong đó có sự đóng góp các đồng chí, các anh, chị đã trực tiếp tham gia phong trào trước đây), Ban Thường vụ Thành ủy Huế khóa X (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã thống nhất biên soạn tập sách Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975; sau hơn 3 năm khẩn trương thu thập tư liệu và biên soạn, tháng 11/2015, Tập sách được xuất bản và ra mắt độc giả.

Sau gần một thập niên xuất bản và phát hành rộng rãi, cuốn sách Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975 đã được đọc giả gần xa đón nhận tích cực với nhiều thiện cảm, điều đó chứng tỏ nội dung cuốn sách đã phản ảnh một cách trung thực và khách quan lịch sử của phong trào.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của độc giả nói chung, đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, Ban Thường vụ Thành ủy khóa XII ( nhiệm kỳ 2020 - 2025) quyết định cho tái bản tập sách “Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975” với số lượng 1.000 bản.

Tập sách tái bản có độ dày 500 trang, Ban Biên soạn đã chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung một số chi tiết chủ yếu liên quan đến kỹ thuật in ấn; phần nội dung chỉ hiệu chỉnh một số điểm nhỏ nhằm bảo đảm chính xác nhất về mặt sử học, tập sách tái bản vẫn giữ kết cấu 5 chương:

Chương mở đầu: Vị trí chiến lược của tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế; Truyền thống yêu nước, cách mạng của Nhân dân Thừa Thiên Huế; Khái quát về phong trào đô thị Huế 1954 - 1975.

Chương I (giai đoạn 1954 - 1963): Chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm ở Thừa Thiên và Huế; Phong trào đô thị Huế giai đoạn 1954 - 1963.

Chương II (giai đoạn 1964 - 1968): Phong trào chống Nguyễn Khánh; Phong trào chống Trần Văn Hương; Phong trào chống Mỹ - Thiệu - Kỳ; Phong trào năm 1967 và 1968; Một số phong trào khác giai đoạn 1964 - 1968.

Chương III (giai đoạn 1969 - 1972): Tình hình những năm 1969 - 1972; Phong trào đô thị Huế 1969 - 1972.

Chương IV (giai đoạn 1973 - 1975): Bối cảnh tình hình giai đoạn 1973 - 1975; Diễn biến của phong trào đô thị Huế giai đoạn 1973 - 1975.

Chương V Nhìn lại phong trào đô thị Huế 1954 - 1975

Trải qua 48 năm đất nước thống nhất, thành phố Huế anh hùng đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chiến trường xưa nay đã trở thành đô thị đẹp tươi, tràn đầy sức sống với nhiều danh hiệu: “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”, “Thành phố xanh quốc gia”, “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Thành phố Festival”,… là trung tâm văn hóa - lịch sử, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước.

Sự kết tinh văn hóa và lịch sử tạo nên truyền thống “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” của con người Huế. Đọc lại Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 -1975 để thấy rõ hơn tinh thần đó, để hiểu hơn, yêu hơn về Huế - mảnh đất nên thơ nhưng rất đỗi hào hùng; để càng tự hào, tự tin và vững bước chung tay xây dựng Huế không ngừng phát triển chính là mục tiêu khi tái bản và phát hành cuốn sách này.

II. KỶ NIỆM 73 NĂM LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG VIỆT NAM (15/7/1950 - 15/7/2023)

Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã đi vào lịch sử 73 năm trưởng thành (15/7/1950 - 15/7/2023). Ra đời trong những ngày khói lửa bừng khí thế cả nước đồng loạt đứng lên hô vang khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng thực dân Pháp xâm lược”, quyết giành lấy bằng được Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam.

    Với tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ cách mạng thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập lực lượng TNXP là nhằm giác ngộ lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng và phát huy sức mạnh dời non lấp biển của lớp người trẻ tuổi thành lực lượng xung kích phục vụ kháng chiến cứu nước, vừa làm một “Trường học lớn” của cách mạng để đào tạo, rèn luyện các thế hệ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ công cuộc kiến quốc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâu dài về sau.

Lực lượng TNXP Việt Nam - tiền thân là Đội TNXP công tác Trung ương, với 225 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, làm Đội trưởng, được thành lập ngày 15/7/1950 tại Núi Hồng, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Ngay từ khi mới thành lập, Đội TNXP công tác Trung ương đã tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bác Hồ và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khen ngợi.

Tháng 3/1951, khi đến thăm đơn vị TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại khu rừng cầu Nà Cù (thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn), Bác Hồ đã tặng bốn câu thơ, nhưng thực chất đây là lời giáo huấn của lực lượng TNXP và cho cả thế hệ trẻ Việt Nam:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

Kể từ đó cho đến trước ngày đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 20 lần chỉ đạo, khen ngợi, biểu dương, uốn nắn những lệch lạc trong hoạt động của TNXP. Trong đó, đặc biệt là bài viết ngày 30/4/1954 với tựa đề: “Những trường học lớn và tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định TNXP là một trong ba trường học rất lớn và rất tốt để đào tạo cán bộ phục vụ kháng chiến thắng lợi và kiến quốc thành công. Ngày 12/01/1967, dự Đại hội thi đua lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước, Người khẳng định: “Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên gái và trai đang cố gắng vượt qua mọi khó khăn lập nhiều thành tích. Bác mong các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ cứu nước để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, gần 30 ngàn TNXP cả nước đã mở đường, phá bom, cánh thương, tải đạn, phục vụ đắc lực cho bộ đội chiến đấu, giành nhiều thắng lợi; góp phần đánh thắng thực dân Pháp, đem lại hòa bình cho miền Bắc, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hàng chục ngàn TNXP đã tham gia khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng nhiều công trình kinh tế, xã hội quan trọng, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho hậu phương lớn miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lớp lớp TNXP ở miền Bắc đã bất chấp hy sinh gian khổ, đứng vững trước sự đánh phá ác liệt của địch trên các tuyến đường, tại các “tọa độ lửa” như: Hoàng Mai, núi Nấp, Hàm Rồng, Truông Bồn, đèo Đá Đẽo, đèo Pu La Nhích, Cua chữ A, Cổng Trời, Đồi 37, đường Hai mươi Quyết thắng… Tiêu biểu cho sự hy sinh dũng cảm của TNXP trên các cung đường, trọng điểm trên là 13 liệt sĩ Tiểu đội 2 tại Truông Bồn (Nghệ An), 10 liệt nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), 8 nam nữ TNXP tại “Hang Tám cô” (Quảng Bình)…

Ở chiến trường miền Nam và Khu V, lực lượng TNXP đã anh dũng kiên trường, bám địa bàn, sát cánh cùng Quân giải phóng, vừa phục vụ chiến đấu, vừa trực tiếp chiến đấu: Xây dựng đường xá, kho tàng, hầm hào; vận chuyển, bảo vệ hàng hóa, thương binh và tử sĩ; tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, thu nhiều vũ khí. Tiêu biểu là các Liên đội 5, 7, 9 phục vụ các sư đoàn chủ lực Quân giải phóng trong hàng trăm trận đánh.

Trên tuyến đường 1C huyền thoại, TNXP đã dũng cảm chiến đấu, vận chuyển 10.000 tấn quân trang, tiếp nhận đưa về mũi Cà Mau trên 10 ngàn quân, phối hợp cùng bộ đội chiến đấu bắn rơi 100 máy bay, diệt 50 xe tăng và tàu sắt, diệt hàng ngàn tên địch giữ vững thông suốt tuyến đường huyến mạch từ Khu IX về Trung ương Cục. Tiểu đoàn vận tải Phạm Thị Thao với danh hiệu “kiện tướng hành lang, chân đồng vai sắt” đã bảo đảm cung cấp kịp thời vũ khí, quân lương cho chiến trường Khu V đánh giặc.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, lực lượng TNXP cả nước lại tiếp tục lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cùng nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, viết nên trang sử anh hùng của TNXP trong kháng chiến chống quân xâm lược.

Phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP, năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá: “Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò và tính chất của Thanh niên xung phong là những người trẻ tuổi đi đầu, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân được thể hiện rõ rệt trong mọi nhiệm vụ được giao. Không phải chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải nói đến những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc đã giúp cho Thanh niên xung phong lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam”.

Hội Cựu TNXP thành phố Huế được thành lập theo Quyết định số 2306/QĐ-UBND ngày 24/11/2010 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và đã trải qua 3 kỳ đại hội. Đây là một tổ chức tập hợp những cán bộ, hội viên Cựu TNXP thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến và một lực lượng không nhỏ đã có công bảo vệ Tổ quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng kinh tế sau năm 1975 tại hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng (chiếm 56,4% số hội viên); đại đa số có lập trường chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc, chấp hành tốt các chủ trương chính sách và đường lối của Đảng.

          Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình hoạt động Hội Cựu TNXP Thành phố cũng gặp không ít khó khăn, do đại bộ phận anh chị em cán bộ, hội viên có tuổi đời từ 65 trở lên nên sức khỏe ngày càng giảm sút, năng lực bị hạn chế, nhiều đồng chí là thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc da cam, lâm bệnh hiểm nghèo, một số là hưu trí, mất sức,... đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là lực lượng TNXP sau năm 1975, phần lớn không có được công ăn việc làm ổn định, hơn nữa chưa được giải quyết các chế độ chính sách đối với Cựu TNXP, do vậy càng gặp nhiều khó khăn hơn.

          Từ khi thành lập đến nay, mặc dù hoạt động trong điều kiện có nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, nhưng các cấp Hội đã chọn được hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế, phấn đấu nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ công tác và đạt được những thành quả quan trọng với 05 mục tiêu chủ yếu đó là:

Phát huy vai trò nhân chứng lịch sử: Đã phát hiện và đề xuất tới Hội Cựu TNXP Tỉnh trình UBND Tỉnh công nhận phiên hiệu TNXP cho 11 đơn vị trong kháng chiến và sau năm 1975; tuyên truyền, hướng dẫn và xác nhận hồ sơ TNXP chưa được hưởng chế độ chính sách đề nghị các cấp có thẩm quyền quyết định giải quyết chế độ theo Quyết định số 40-TTg năm 2011 về chế độ chính sách với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; tiếp tục triển khai việc thực hiện Nghị định số 112/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với TNXP cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975; tham gia ý kiến vào dự thảo các Nghị định của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với

Công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội: Đã thực hiện tốt phương châm nơi nào có đủ số lượng Cựu TNXP theo quy định của pháp luật và có nguyện vọng thành lập tổ chức Hội, nơi đó có tổ chức Hội. Đến ngày 15/5/2023 Hội có 21 tổ chức Hội cơ sở với 945 hội viên (nam: 491; nữ: 454), số hội viên là thương binh:134, Hội viên nhiễm chất độc da cam:73, Hội viên thời kỳ kháng chiến: 414, Hội viên thời kỳ sau năm 1975:   531.

Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và các cơ quan ban, ngành về việc thực hiện Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 529/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về chế độ thù lao cho người đứng đầu tổ chức Hội, đến nay với 21 tổ chức Hội trực thuộc, đã có 19 đơn vị nhận được chế độ thù lao, 02 trường hợp là phường Kim Long và xã Phú Thanh không được nhận vì người đứng đầu không phải là cán bộ hưu trí.

Việc thực hiện Nghị định số 112/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với TNXP cơ sở miền Nam tham gia phục vụ kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975, với phường Vỹ Dạ có 03 hội viên và phường Thuận Lộc có một số hội viên đang tiếp tục làm hồ sơ.

Hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội”, “Đền ơn đáp nghĩa” đã không ngừng được đẩy mạnh từ Thành Hội đến các tổ chức Hội trực thuộc, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đặc biệt là Trung ương Hội, Tỉnh Hội - Cùng với sự nỗ lực quyết tâm xây dựng quỹ “Vì nghĩa tình đồng đội” từ các tổ chức Hội trực thuộc đến Thành Hội. Từ đó, trong 10 năm qua, 12 ngôi nhà tình nghĩa, 33 sổ tiết kiệm, 3.720 suất quà, 726 lượt tang điếu, ốm đau với trị giá hơn 01 tỷ đồng đã đến với những Cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thành phố Huế nhằm giúp vơi đi nỗi khó khăn, thiếu thốn, có cuộc sống ổn định, đóng góp vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Thực hiện cuộc vận động “Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng học tập, làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được Hội Cựu TNXP các cấp triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực là định hướng tư tưởng dẫn dắt hành động của cán bộ, hội viên, các cấp Hội trong phong trào “Vì nghĩa tình đồng đội”, “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi để thoát nghèo” và tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy, chính quyền Thành phố phát động, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Đã thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đặc biệt là sự phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của lực lượng TNXP cho thế hệ trẻ gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn đã đem lại hiệu quả thiết thực, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, Hội Cựu TNXP thành phố cùng các tổ chức Hội trực thuộc khắc phục những khó khăn, thực hiện khá tốt những mặt công tác đã đề ra. Ngoài viêc 100% tổ chức Hội trực thuộc phát động mỗi gia đình Cựu TNXP đăng ký và thực hiện là gia đình văn hóa, gương mẫu trong việc giáo dục con cháu sống lành mạnh, không tham gia các tổ chức tệ nạn xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân. Nhiều tổ chức Hội đã thường xuyên duy trì tốt việc tổ chức, vận động hội viên tham gia cùng các tổ chức chính trị - xã hội khác thực hiện những chương trình hành động tại địa phương như đảm nhận “Tuyến phố văn minh”, tuyến đường Dân vận khéo, tham gia công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, thực hiện việc đốt rải vàng mã đúng theo quy định, tham gia hưởng ứng Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày Chủ nhật vì cộng đồng”,… góp phần xây dựng thành phố Huế xanh - sạch - sáng. Ngoài các đơn vị: Trường An đảm nhận tuyến phố văn minh từ ngã 03 Xuân Diệu đến ngã 03 Võ Liêm Sơn của đường Chế Lan Viên; Phú Hậu với chỉnh trang đô thị đường Trịnh Hoài Đức và ngã 03 Ngô Nhân Tịnh; An Tây với đường Võ Văn Kiệt (khu vực xung quanh các cơ quan của phường). Gia Hội với Chi hội 7 và Chi hội 8 đảm nhận giữ trật tự an toàn giao thông lúc tan học của trường Tiểu học và Mầm non Phú Cát, Chi hội 11 phối hợp với tổ dân phố xây dựng tuyến đường Diệu Đế xanh - sạch - sáng. Vỹ Dạ chăm sóc, dâng hương đài tưởng niệm 11 cô gái sông Hương. Đến nay, đã có thêm phường Phường Đúc tham gia xây dựng điểm xanh tại đình Phú Mỹ. Đông Ba đảm nhận kiệt 68 đường Phùng Hưng. Hương Vinh đảm nhận điểm xanh Nhà Văn hóa trung tâm Phường và kiệt 115 đường Đặng Tất. Thuận Hòa, An Tây hằng năm làm vệ sinh, dâng hương viếng đài liệt sỹ trên địa bàn.

Thành Hội đã nhận và phân bổ kịp thời, đúng đối tượng từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức cấp trên, UBMTTQVN Thành phố, UBMTTQVN và Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị, đồng thời trích quỹ “Vì nghĩa tình đồng đội” của Thành Hội. Trong dịp tết Quý Mão, đã có 35 suất quà trị giá 17.500.000 đồng đến với những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Thành.

Với những nỗ lực của mình, dưới sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội Cưu TNXP thành phố Huế đã tạo nên nhiều dấu ấn thật đáng nhớ, nhiều cán bộ, hội viên được các cấp biểu dương, khen thưởng. Trong thời gian tới, Hội Cựu TNXP thành phố tiếp tục phát huy truyền thống, lan toả tinh thần, trách nhiệm của lực lượng TNXP, quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng để đoàn kết hội viên, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội theo hướng hướng về cơ sở, lắng nghe tiếng nói của hội viên để đề ra các chủ trương và giải pháp phù hợp; thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho TNXP, góp phần xây dựng thành phố Huế ngày càng giàu đẹp, văn minh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị./.

              

                                       BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY HUẾ

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 57.185
Truy câp hiện tại 19