Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Những "đột phá" trong Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)
Ngày cập nhật 11/08/2014

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật BHYT sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Với 25 trong số 52 điều được sửa đổi, bổ sung, trong đó có một số điểm mới mang tính đột phá mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BHYT hiện hành...

Nhiều điểm mới "đột phá"

Quy định bắt buộc tham gia BHYT được xem là một trong những giải pháp đột phá hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế (DVYT) để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT.Luật BHYT (sửa đổi) khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình, với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi bằng 70% của người thứ nhất, đến người thứ 5 trở đi chỉ đóng bằng 40% của người thứ nhất. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng "lựa chọn ngược", chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm chia sẻ ngay trong hộ gia đình và giảm bớt gánh nặng tài chính khi phải đóng BHYT cho toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình.

Luật BHYT (sửa đổi) phân đối tượng thành năm nhóm theo trách nhiệm đóng, trong đó nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT tham gia theo hình thức hộ gia đình. Luật cũng bổ sung đối tượng lực lượng Công an và Quân đội sẽ tham gia BHYT.Tuy nhiên, Chính phủ sẽ quy định lộ trình thực hiện BHYT, phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT... để bảo đảm tính chia sẻ cộng đồng và phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của Công an và Quân đội; đồng thời Chính phủ sẽ quy định việc cấp thẻ BHYT cho lực lượng vũ trang và thân nhân của họ. Ngoài ra, Luật bổ sung đối tượng là người sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo để thực hiện chính sách biển, đảo của Nhà nước...

Luật BHYT (sửa đổi) lần này cũng mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh (KCB), tăng khả năng tiếp cận DVYT đối với một số đối tượng chính sách. Cụ thể: Bỏ quy định đồng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, người sống tại vùng đặc biệt khó khăn, bảo trợ xã hội; bỏ quy định đồng chi trả 20% đối với thân nhân liệt sĩ là cha, mẹ đẻ, vợ, chồng, con liệt sĩ, người nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống 5% đối với thân nhân người có công khác và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Đáng chú ý, Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT liên tục năm năm trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở (trừ KCB không đúng tuyến); Riêng đối tượng Công an, Quân đội, Cơ yếu, chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT được chi trả từ nguồn kinh phí BHYT dành cho KCB của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì ngân sách nhà nước bảo đảm. Tuy nhiên, Luật cũng giảm một số quyền lợi như: Bỏ chi phí vận chuyển đối với người thuộc hộ cận nghèo; bỏ KCB sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh; bỏ thanh toán KCB tại nước ngoài...

Cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình KCB, việc mở thông tuyến KCB BHYT là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận DVYT.Theo đó, sẽ mở thông tuyến huyện trên toàn quốc khi đi KCB (nội, ngoại trú) và thông tuyến tỉnh, trung ương trên toàn quốc khi KCB nội trú đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số và người nghèo đang sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; người sinh sống tại xã đảo, huyện đảo. Từ ngày 1-1-2016, mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và huyện trên cùng địa bàn tỉnh khi KCB nội, ngoại trú. Từ ngày 1-1-2021, Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của người tham gia BHYT khi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi cả nước...

Đổi mới và thách thức

Đánh giá về Luật BHYT (sửa đổi), Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Phạm Lương Sơn cho rằng: So với Luật BHYT năm 2008, Luật BHYT (sửa đổi) lần này có một số điểm quan trọng, có tính đột phá mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Tuy nhiên, để triển khai Luật này một cách hiệu quả sẽ là thách thức không nhỏ đối với cơ quan thực hiện chính sách BHYT và quản lý quỹ BHYT là Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tính đến ngày 30-6, cả nước có hơn 62 triệu người tham gia BHYT mới chiếm khoảng 70% dân số. Vẫn còn khoảng 16 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp, dưới 61%, tập trung ở các nhóm đối tượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên và nhóm tự nguyện tham gia BHYT.Theo ông Phạm Lương Sơn, ngoài các nguyên nhân khách quan là do bộ phận này chủ sử dụng lao động chưa tuân thủ quy định của pháp luật về đóng nộp BHXH, BHYT, chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc do nhận thức của người dân về chính sách BHYT còn hạn chế, thì một nguyên nhân quan trọng nữa là nhiều chính quyền địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm trong việc phát triển đối tượng tham gia... Đặc biệt, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía bệnh nhân cũng như từ phía các cơ sở KCB ngày càng phức tạp. Việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật, thuốc đắt tiền tại các cơ sở KCB là khá phổ biến, đặc biệt là tại các cơ sở có thực hiện xã hội hóa thiết bị máy móc. Lực lượng giám định viên của cơ quan BHXH tại một số địa phương còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng cho nên chất lượng giám định chưa cao, chưa kịp thời phát hiện tình trạng trục lợi quỹ... Ngoài ra, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành các phác đồ khám, chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh chuẩn làm cơ sở để các cơ sở KCB thực hiện và cơ quan BHXH giám sát để đánh giá việc chỉ định điều trị của cơ sở KCB theo đúng chức năng giám định quy định tại Luật BHYT...

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức thực hiện chính sách, như: Bộ Y tế có trách nhiệm thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả... Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định đối tượng, quản lý đối tượng và công tác thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia BHYT của đối tượng. BHXH Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để tránh cấp trùng thẻ BHYT của các đối tượng, tổ chức người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình thuận lợi tại tất cả các địa bàn trên toàn quốc... Cùng với việc phân định rõ trách nhiệm các bên, ông Phạm Lương Sơn cho biết, việc tăng cường biện pháp xử lý vi phạm đối với hành vi nợ đóng, trốn đóng BHYT, như phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; phải hoàn trả toàn bộ chi phí trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT...sẽ giúp Luật BHYT triển khai hiệu quả hơn.

                                                                                                                                                                                       (nguồn nhandan online)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 57.185
Truy câp hiện tại 301